Chuyển đến nội dung chính

BÀI THI VIẾT 'HỌC TẬP VÀ THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH'

Ảnh minh họa về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đất nước ta đang trên đà phát triển kinh tế hội nhập với định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều đó không chỉ làm cho nền kinh tế nước ta tiến bộ hơn, mà nó còn kéo theo nhiều mặt khác như chính trị, văn hóa và hơn nữa là phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, sự phát triển về kinh tế hay bất cứ phạm trù nào khác trong xã hội đều xuất hiện những “lỗ hổng” (ít hoặc nhiều), chúng đi ngược lại với những đường lối, chính sách của cơ quan Nhà nước, dù với số lượng rất ít, khó phát hiện nhưng cũng đủ để đe dọa nền kinh tế nước nhà; vì vậy, đòi hỏi chúng ta có những biện pháp xử lí nghiêm ngặt, hợp tình hợp lí để ngăn ngừa, kìm hãm sự phát triển của chúng.

Trong lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến năm đức tính mà mọi người cần phải rèn luyện: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, thì “cần, kiệm, liêm, chính” có lẽ là gốc rễ cho “chí công vô tư”. Bác nói: “Đem lòng chí công vô tư mà đối với người, với việc.”, thật vậy, trong nền kinh tế thị trường hiện đại, lòng chí công vô tư đang bị che lấp bởi những “món hời” cả về vật chất hay tinh thần, thay vào đó nạn tham ô đang là một vấn đề nhức nhối, nan giải. Tôi nhớ vào khoảng hai năm trước, tại một ngôi trường THCS gần nhà tôi cũng xảy ra một vụ “hối lộ”, trong câu chuyện sắp tới, tôi sẽ vào vai chú Đức để kể lại - người chứng kiến vụ hối lộ đó để đảm bảo tính chân thực cho câu chuyện:

“Tôi đã làm bảo vệ ở trường THCS này đã chín năm rồi, lương đủ để chi tiêu lặt vặt, còn cơm thì ăn cơm nhà ba mẹ tôi. Công việc của tôi cũng khá nhàn hạ, sáng đi sớm đến trường để mở cửa phòng học, kiểm tra phiếu giữ xe của học sinh, đôi khi còn mở cửa các phòng chức năng phục vụ cho công tác giảng dạy của giáo viên… Bây giờ là khoảng tháng năm – tháng của mùa thi học kì II sắp tới, tần suất học sinh đến trường trong nhiều buổi để ôn thi cũng ngày càng tăng, điều đó làm cho việc giữ xe, giữ cổng của tôi cũng khá vất vả.

Thấm thoát mà kì thi chất lượng học kì II cũng đã trôi qua, số lượng học sinh đến trường cũng chỉ được đếm trên đầu ngón tay, lúc này ở trường chỉ có các giáo viên vào chấm bài, tổng kết điểm cho một năm học đầy vất vả. Tôi nhớ chính xác là khoảng sau một ngày kể từ kì thi kết thúc, hôm đó có một người phụ nữ khoảng tầm bốn mươi đỗ xe trước cổng trường, tôi bèn ra hỏi chị ta: “Chào chị, chị đến đây tìm ai? Tôi có thể giúp gì được cho chị không ạ?”. Người phụ nữ rất lịch sự đáp lại tôi: “Dạ, tôi đến đây để tìm thầy Nhàn – giáo viên chủ nhiệm của con trai tôi, anh có thể chỉ cho tôi nơi làm việc của thầy ấy không ạ? Tôi muốn gặp thầy để sửa lại giấy khen tháng vừa rồi của con trai tôi, nó bị in nhầm họ và lớp…”. Không do dự gì, tôi dẫn ngay chị ta đến chỗ thầy Nhàn, lúc này thầy đang cầm xấp bài thi Toán trên tay.

Lúc này chợt có đứa học sinh trong gầm phía dưới cầu thang kêu vọng ra: “Chú Đức ơi, chú vào khuân hộ cháu chồng ghế ra ngoài đây với, nó bị kẹt vào trong rồi!”. Thấy nhiệm vụ hướng dẫn của mình đã hết, tôi vào trong gầm phía dưới cầu thang giúp đứa học sinh. Hai người kia cũng thay đổi địa điểm, họ lên phòng trên lầu để bàn bạc. Quả thật, chồng ghế kẹt phía trong tôi cũng hơi khó lấy ra, huống chi là thằng nhỏ, lúc này, đứa học sinh động viên tôi “Cố lên, cố lên…” trong khi hình như ở ngay phía trên tôi, thầy Nhàn cùng với chị ta đang tranh cãi gì đó, tôi chỉ nghe mấy cụm rời rạc của chị ta sao anh… lời hứa… tôi đổ vào… anh nuốt lời à? vì bị đứa học sinh át tiếng mất.

Chẳng mấy chốc tôi cũng thấy người phụ nữ dẫn xe ra khỏi trường, nhưng với một vẻ mặt khá hài lòng, thỏa mãn hơn so với thái độ ở phía trên cầu thang. Ngồi trực bảo vệ nãy giờ tôi cũng khá khát nước nên tranh thủ vào trong uống một cốc nước đá trong phòng giáo viên. Ra khỏi phòng, tôi gặp thầy Nhàn từ trên lầu xuống và ra hiệu vẫy chào, thầy ấy hình như đang trầm tư gì đấy, không đáp lại tôi mà còn sơ ý đánh rơi cả xấp bài thi nữa. Như phản xạ, tôi chạy lại nhặt hộ thầy, chợt dưới đáy xấp bài tôi có để ý thấy cái phong bì, mà lúc nãy khi chấm bài chưa có…

Tầm hai ngày hôm sau, tôi thấy người phụ nữ trung niên ấy lại đến, không cần tôi hỏi, chị ta tự nói với tôi là có đến để lấy giấy khen, rồi chị ta tự đến chỗ thầy Nhàn. Lúc này, thầy tổng phụ trách Đoàn nhờ mở cửa phòng Đoàn. Tôi vào mở cửa ra thì thấy thầy Nhàn và chị ta đã vào tới phòng Hội trường, hình như linh tính tôi đã mách bảo điều gì đó, nên tôi hơi tò mò một chút. Tôi đứng nép ngoài cửa, liếc mắt vào nghe toàn bộ câu chuyện của họ. Đại loại là con của chị ta học kém môn toán, chỉ có “độn” theo phong bì nhờ thầy Nhàn giúp nâng điểm thi, bây giờ cứ mỗi một câu họ nói ra là sự hồi hộp của tôi lại tăng lên gấp đôi, cho đến khi tôi chỉ nhìn thẳng ra phía trước, chợt thấy thầy Hiệu trưởng đã ở đâu xa xa, tôi cũng vội rời khỏi cửa, trở về công việc của mình. Trước khi đi, tôi có thấy thầy Hiều trưởng ghé vào phòng giáo viên gọi thầy Nhàn nên đã lắng tai nghe, nhưng vì ở khá xa phòng giáo viên nên tôi không nghe được gì mặc dù đoán được cách trả lời của thầy Nhàn hơi ấp úng.

Từ lúc đấy tới chiều, tôi suy nghĩ khá đắn đo, lòng bồn chồn không sao chịu được, cầm không nổi, nhân lúc thầy Nhàn về, tôi có ra hiệu để thầy lại nói chuyện: “Thầy Nhàn, thầy lại đây tôi hỏi chút!”. Tôi mới hỏi thầy người phụ nữ trung niên ấy thật sự có mối quan hệ gì với thầy mà vào trường nhiều lần như vậy, thầy đáp lại rằng đó là phụ huynh của một học sinh mà thầy chủ nhiệm, chị ta đến nhờ thầy để sửa lại giấy khen cho con chị ta mà trường đã in nhầm. Lúc này, tôi hỏi thầy Nhàn: “Hình như thầy có giấu giếm gì tôi phải không thầy Nhàn?”. Thầy vẫn khá bình thường, lúc này tôi mới kể lại toàn bộ câu chuyện đã nghe lúc nãy cho thầy Nhàn nghe. Tôi cảm thấy thầy Nhàn như đang nổi giận lôi đình chắc có lẽ do bị người khác nghe lén câu chuyện, thầy luôn ra sức phủ nhận lời nói của tôi. Cho đến khi không chịu nổi nữa, thầy la lên với tôi rằng: “Thôi! Không bàn cãi gì nữa, tôi về đây”. Tôi ra ngoài xe cổng chặn thầy lại và cố hỏi hết, dọa rằng sẽ nói với thầy Hiều trưởng, tôi nhớ như in cái lời thầy Nhàn đáp lại: “Anh thử báo cho thầy Hiệu trưởng biết đi, đằng nào cũng không ảnh hưởng tới việc làm của tôi đâu, tôi đã tường bồi dưỡng học sinh giỏi cho trường nhiều năm, làm rạng danh cho trường này. Anh nghỉ tôi bị đuổi hay cái nghề quèn của anh sẽ mất?” Lúc này tôi như chết lặng, thầy Nhàn chạy xe ra về.

Hôm sau, tôi giữ một tâm trạng hoàn toàn mới, trái với nỗi buồn lặng hôm qua, bây giờ tôi cảm thấy giận, giận, giận mọi thứ, “Nghề gì thì cũng là nghề chứ” – tôi tự nhủ. Không kìm nổi cơn giận thầy Nhàn, tôi lên thẳng phòng Hiệu trưởng, kể lại cho thầy Hiệu trưởng toàn bộ sự việc, nhưng tôi cảm thấy có gì khúc mắc ở đây, trái với sự ngạc nhiên, bất ngờ, hiện trên mặt thầy Hiệu trưởng lúc này là vẻ cười khẩy. Dần lâu thầy mới đáp lại như một lời tạ ơn cho câu chuyện thú vị của tôi mang đến: “Chú như vậy là hay rồi, các giáo viên trong trường còn chưa biết, vậy mà chú biết trước họ, nói thật ra chứ chú sắp phải bất ngờ lắm đây, tôi và thầy Nhàn cùng tham gia chuyện này, tối hôm qua thầy ấy có điện tôi nói rằng chú đã biết”. Đúng là tôi mới thực sự cảm thấy bất ngờ, không nói nên lời. Thầy Hiệu trưởng hỏi tôi, trên tay : “Sao? Bây giờ đã rõ chưa? Hoặc là nhận chút lòng thành của tôi, hoặc là hôm nay là ngày làm cuối cùng của anh?” – Vừa nói thầy Hiệu trưởng dúi phong bì vào túi quần tôi.

Đã hai ngày kể từ khi tôi nghỉ việc, suốt ngày ở nhà bị ba mẹ hỏi hoài làm sao không đi làm, tôi chỉ tìm một lí do đơn giản rồi viện cớ ra. Ngày thứ ba, tôi suy nghĩ: “Đã làm thì phải làm cho tới, không bỏ giữa chừng được”. Tôi bèn viết đơn tố cáo hối lộ cho Phòng GT – ĐT huyện. Phải gần một tháng sau, lá đơn của tôi mới được Phòng GD – ĐT xử lí, chuyển qua cho bộ phận chức năng, các đồng chí công an mới mời tôi về trụ sở để điều tra. Cảm thấy mình trong sạch, tôi không ngại kể toàn bộ câu chuyện lại, phục vụ cho công tác điều tra của các anh ấy.Hai ngày sau, tôi vẫn chưa có việc làm, sáng sớm vẫn thức dậy chặt củi giúp ba mẹ, chợt tôi nghe thấy loáng thoáng vụ việc hối lộ của thầy Nhàn và thầy Hiệu trưởng, hình như họ đã nhận hối lộ rất nhiều lần từ những năm về trước, họ bị phạt tiền, cắt chức hiện tại, chuyển công tác tới các trường sâu trong đồng ruộng. Ngày hôm sau, các đồng chí công an gọi tôi đến, trao giải thưởng cho tôi, tôi cũng nhận được các thư khen của Phòng, Sở GD – ĐT và được mời đi làm lại.”

Thật vậy, qua câu chuyện trên của chú Đức – một người không sợ trước các thế lực mạnh, chú đã kiên quyết không nhận hối lộ mặc dù công việc của mình cũng bị mất theo. Từ đó cho ta thấy, lòng chí công vô tư là một đức tính thật đáng quý trọng, đã được Bác Hồ đưa vào trong lời dạy. Qua đó, đề cao và khuyến khích các Ban ngành, Đoàn thể tích cực tuyên truyền chống lại các tệ nạn tham ô, đồng thời phê phán, xử lí nghiêm ngặt các đối tượng mắc phải, có hình thức khen thưởng xứng đáng đối với các cá nhân dám chống lại tệ nạn này!

HẢI DƯƠNG

Nhận xét